Thông tin cơ bản thuốc Famotidin 40mg (DP 150)
Quy cách đóng gói
Hộp 10 vỉ x 10 viên
Thành phần
Famotidine
Điều kiện bảo quản
Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh nguồn nhiệt và ánh sáng trực tiếp. Không đóng băng thuốc dạng dung dịch.
Tác dụng thuốc Famotidin 40mg (DP 150)
Chỉ định/Chống chỉ định
Chỉ định
- Loét dạ dày hoạt động lành tính, loét tá tràng hoạt động.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
- Bệnh lý tăng tiết đường tiêu hóa (thí dụ: Hội chứng Zollinger - Ellison, đa u tuyến nội tiết).
Chống chỉ định
Dị ứng với các thành phần của chế phẩm.
Liều dùng và cách dùng
Famotidin thường dùng đường uống, có thể tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch chậm ở bệnh viện cho người bệnh quá tăng tiết acid hoặc loét tá tràng dai dẳng hoặc người không uống được. Có thể phối hợp với thuốc chống acid để giảm đau nếu cần.
Loét dạ dày thường do vi khuẩn Helicobacter pylori. Quá trình loét dạ dày, tá tràng có thể liền sau khi trừ tiệt vi khuẩn này. Các thuốc chống acid phối hợp với kháng sinh đạt được hiệu quả điều trị cao.
Ví dụ về một phác đồ điều trị tiệt khuẩn H. pylori: Uống trong 2 tuần: Famotidin 40 mg trước khi ngủ (hoặc 20 mg, ngày 2 lần); amoxycilin 750 mg, ngày 3 lần; metronidazol 500 mg, ngày 3 lần; và bismuth citrat và/hoặc sucralfat.
Ðường uống
- Loét tá tràng: Cấp tính: Liều uống cho người lớn là 40 mg/ngày một lần vào giờ đi ngủ. Hầu hết bệnh khỏi trong vòng 4 tuần, một số rất hiếm cần điều trị dài hơn, 6 - 8 tuần, có thể dùng 20 mg x 2 lần/ngày. Duy trì: 20 mg/ngày, một lần vào giờ đi ngủ.
- Loét dạ dày lành tính: Cấp tính: Liều uống cho người lớn là 40 mg/ngày, một lần vào giờ đi ngủ.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Liều uống cho người lớn là 20 mg x 2 lần/ngày, cho tới 6 tuần. Liều uống cho người bệnh viêm thực quản có trợt loét kèm trào ngược là 20 hoặc 40 mg x 2 lần/ngày, cho tới 12 tuần.
- Các bệnh lý tăng tiết dịch vị (hội chứng Zollinger - Ellison, đa u tuyến nội tiết): Liều uống dựa trên đáp ứng của người bệnh, liều bắt đầu ở người lớn là 20 mg/lần/6 giờ, có thể bắt đầu liều cao hơn ở một số người bệnh, liều phải điều chỉnh theo từng người và kéo dài theo chỉ định lâm sàng. Có thể nâng liều tới 160 mg/lần cách 6 giờ cho một số người có hội chứng Zollinger - Ellison nặng. Dùng đồng thời thuốc chống acid nếu cần.
- Ðiều chỉnh liều ở người suy thận nặng: Người suy thận có hệ số thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút, nửa đời thải trừ của famotidin trên 20 giờ, ở người vô niệu là 24 giờ. Tuy không có mối liên quan giữa tác dụng phụ và nồng độ thuốc cao trong huyết tương, nhưng để tránh tích lũy thuốc quá mức, cần giảm liều xuống 20 mg uống vào giờ đi ngủ hoặc khoảng cách dùng thuốc phải kéo dài tới 36 - 48 giờ theo đáp ứng lâm sàng.
Ðường tiêm
Ở người bệnh tăng tiết dịch vị bệnh lý hoặc loét dai dẳng hay người không uống được, dùng famotidin tiêm với liều 20 mg, cứ 12 giờ một lần cho tới khi uống được.
Tiêm tĩnh mạch: Hòa loãng 1 ống famotidin (20 mg/2 ml) với natri clorid 0,9% hoặc các dung dịch tiêm tương hợp với famotidin tới 5 hoặc 10 ml, tiêm tĩnh mạch chậm, ít nhất là 2 phút.
Truyền tĩnh mạch: Famotidin đã pha sẵn (bình 20 mg trong 50 ml natri clorid 0,9%) truyền trong thời gian từ 15 đến 30 phút.
Pha loãng 1 ống famotidin tiêm tĩnh mạch 10 mg/ml: (20 mg/2 ml) hoặc 1 lọ famotidin đông khô (20 mg/lọ) với 100 ml glucose 5%, hoặc các dung dịch tiêm tương hợp với famotidin và truyền trong thời gian từ 15 đến 30 phút.
Người cao tuổi và trẻ em
Ðộ an toàn và hiệu lực của thuốc đối với trẻ em chưa được xác định.
Liều dùng không cần thay đổi theo tuổi, chỉ điều chỉnh ở người bệnh suy thận nếu cần.
Thận trọng
Ðáp ứng triệu chứng với famotidin không loại trừ được tính chất ác tính của loét dạ dày. Famotidin nên dùng thận trọng ở người suy thận (nghĩa là độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút) do thuốc thải trừ chủ yếu qua thận. Cần giảm liều hoặc tăng thời khoảng giữa các liều dùng. Tuy vậy, nhà sản xuất cho rằng tác dụng phụ không liên quan đến nồng độ cao đo được trong huyết tương của người suy thận.
Trừ trường hợp có hướng dẫn của thầy thuốc, còn thì người bệnh tự điều trị nên ngừng thuốc nếu vẫn còn các triệu chứng ợ nóng (rát ngực), tăng tiết acid dịch vị, xót rát dạ dày sau khi đã điều trị thuốc liên tục 2 tuần mà không khỏi.
Tương tác với các thuốc khác
Thức ăn và thuốc kháng acid:
Thức ăn làm tăng nhẹ và thuốc kháng acid làm giảm nhẹ sinh khả dụng của famotidine, nhưng các tác dụng này không ảnh hưởng quan trọng đến tác dụng lâm sàng. Famotidine còn có thể phối hợp với thuốc kháng a-xít.
Tác dụng đến sự thanh thải thuốc ở gan:
Khác với cimetidin và ranitidin, famotidine không ức chế chuyển hóa bằng hệ enzym gan cytochrom P450 các thuốc bao gồm warfarin, theophylin, phenytoin, diazepam, và procainamid. Famotidine cũng không tác động đến chuyển hóa, độ thanh thải và nửa đời của aminophenazon hay phenazon. Tuy nhiên thuốc cũng có tác dụng rất ít đến enzym cytochrom P450 và cần phải có thêm kinh nghiệm dùng thuốc lâu dài và liều tương đối cao để xác định tiềm năng, nếu có, tác dụng quan trọng về lâm sàng. Famotidine không ảnh hưởng đến bài tiết của indocyanin xanh lục.
Tác dụng phụ
Đau đầu, hoa mắt, táo bón, tiêu chảy, quấy khóc (trẻ em), nổi mề đay, nổi mẩn da, ngứa, sưng mặt, cổ họng, lưỡi, môi, mắt, tay, chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân, khàn tiếng, khó thở hoặc khó nuốt. Famotidine có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề bất thường nào khi dùng thuốc.
Dược động học/Dược lực
Dược động học
Sau khi uống, famotidin được hấp thu không hoàn toàn ở đường tiêu hóa và sinh khả dụng khoảng 40 - 45%. Famotidin chuyển hóa ít ở pha đầu. Sau khi uống, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt trong 1 - 3 giờ. Nồng độ thuốc trong huyết tương sau khi dùng nhiều liều cũng tương đương như dùng liều đơn. 15 - 20% famotidin liên kết với protein huyết tương. Nửa đời thải trừ: 2,5 - 3,5 giờ. Thải trừ qua thận 65 - 70% và qua đường chuyển hóa 30 - 35%. Ðộ thanh thải ở thận là 250 - 450 ml/phút, chứng tỏ bài tiết một phần ở ống thận.
25 - 30% liều uống và 65 - 70% liều tiêm tĩnh mạch có trong nước tiểu dưới dạng không biến đổi. Chất chuyển hóa duy nhất xác định được ở người là S - oxid. Có mối liên quan chặt chẽ giữa độ thanh thải creatinin và nửa đời thải trừ của famotidin. Ở người suy thận nặng, độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút, thì nửa đời thải trừ có thể hơn 20 giờ, vì vậy cần điều chỉnh liều hoặc khoảng cách giữa các liều dùng.
Ðiều trị duy trì ở liều thấp các thuốc kháng histamin H2 làm giảm tỷ lệ loét tái phát, nhưng không làm thay đổi quá trình diễn biến của bệnh khi ngừng thuốc và phải xét đến điều trị triệt căn H. pylori. Ðiều trị duy trì là thích hợp nhất cho những trường hợp thường xuyên tái phát nặng và cho những người cao tuổi bị biến chứng loét.
Dược lực
Famotidin ức chế cạnh tranh tác dụng của histamin ở thụ thể H2 tế bào vách, làm giảm tiết và giảm nồng độ acid dạ dày cả ngày và đêm, và cả khi bị kích thích do thức ăn, histamin hoặc pentagastrin. Hoạt tính đối kháng histamin ở thụ thể H2 của famotidin phục hồi chậm, do thuốc tách chậm khỏi thụ thể. So sánh theo phân tử lượng famotidin có hoạt lực mạnh hơn gấp 20 - 150 lần so với cimetidin và 3 - 20 lần so với ranitidin trong ức chế tiết acid dạ dày.
Sau khi uống, tác dụng chống tiết bắt đầu trong vòng 1 giờ, tác dụng tối đa phụ thuộc vào liều, trong vòng 1 - 3 giờ. Với liều 20 đến 40 mg, thời gian ức chế tiết là 10 đến 12 giờ.
Sau khi tiêm tĩnh mạch, tác dụng tối đa đạt trong vòng 30 phút. Liều tĩnh mạch duy nhất 10 và 20 mg ức chế tiết ban đêm trong thời gian 10 đến 12 giờ. Liều 20 mg có tác dụng lâu nhất ở phần lớn người bệnh. Liều duy nhất uống buổi tối 20 và 40 mg ức chế tiết acid cơ bản vào ban đêm ở mọi người bệnh.
Quá liều và cách xử trí
Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
Khác
NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ. Thuốc không kê toa famotidine thường được dùng khi cần thiết.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Duy trì chế độ ăn uống bình thường, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.