Vấn đề muốn nói ở đây là rác. Để đất nước ngày càng sạch đẹp là một bài toán quá khó, nó không phải quy tắc cứng nhắc rõ ràng, nó là ý thức con người, nói đến đường đầy rác, nói đến tắc cống, nói đến kênh mương đen ngòm, nói đến bãi biển đầy rác thì việc đầu tiên các bạn làm là chỉ trích chính quyền, mà không nghĩ bản thân mỗi người mới tạo ra xã hội mới tạo cái đống rác xấu xí bốc mùi đó.
Cứ hy vọng thế hệ sau sẽ tốt hơn thế hệ trước, hy vọng rồi hy vọng nhưng dường như không khá hơn là mấy, vì thế hệ sau học hỏi từ thế hệ đi trước chứ đâu. Chỉ còn cách mong cho thế hệ lúc này mọi người sẽ có ý thức hơn.
Sắp đến tết làm tôi nhớ lại chợ hoa đầy rác phút giao thừa mọi người đập phá chậu hoa, người đi xem pháo hoa tụ tập ở quảng trường, công viên, trên đường, trên cầu ăn uống vứt bỏ rác lung tung, thậm chí đốt lửa trên đường nhựa, nhưng sáng mùng 1 thì đường xá lại sạch sẽ đâu vào đấy, có lẽ các bạn quen với việc có người dọn dẹp rồi, thế các bạn có biết sau khi xem pháo hoa xong các bạn về nhà ngủ một giấc thật ngon hoặc đi chơi với bạn bè thì những công nhân vệ sinh làm việc tới sáng, họ phải cố gắng làm thật nhanh để kịp khi mặt trời mọc mọi người ra đường đi chơi tết nếu bị bẩn thì sẽ bị mọi người mắng làm việc không ra sao, họ là những người vất vả mưu sinh vì muốn có tiền bạc để lo cho cuộc sống gia đình mà giao thừa họ không được sum họp cùng gia đình. Họ có được về sớm nghỉ ngơi hay bị chê trách là còn tùy thuộc vào các bạn cả.
Khi cổ động viên Việt Nam đến xem trận đấu bóng đá ở nước ngoài và nhặt rác ở khán đài Việt Nam, tuy việc làm này không lớn lắm chỉ là nhặt rác của những người quê mình bỏ ra thôi mà, báo chí đưa tin với mục đích muốn mọi người học hỏi và ý thức nơi công cộng dù bất cứ nơi đâu để làm đẹp hình ảnh đất nước, nhưng không hẳn ai cũng thấy được điều đó là tốt, có rất nhiều người đã nói “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, “ở Việt Nam rác đầy không về mà dọn”... cũng việc làm tương tự như trên nhưng là nước Nhật thì đa số mọi người lại “xem nước người ta kìa, thấy mà nhục”, “nước họ ý thức không như mình, xấu hổ”... Chúng ta có thể thấy được mọi người đang rất thích chỉ trích không chịu phấn đấu và phung phí sự xấu hổ. Chỉ khi nào bạn thấy việc đó tốt đẹp và nhắc nhở bản thân không xả rác thì bạn mới có thể tốt lên được. Chúng ta sẽ không bị hạ thấp đi khi khen người khác cũng như không thể cao quý hơn khi chê trách người khác.
đến những nơi thu vé thì người ta xả rác vì lý do “bỏ tiền nên có quyền”, đến nơi hoang sơ không thu vé thì vẫn xả rác vì “không ai nhìn thấy”
Nói đến đi chơi dã ngoại, đi du lịch đến những nơi thu vé thì người ta xả rác vì lý do “bỏ tiền nên có quyền”, đến nơi hoang sơ không thu vé thì vẫn xả rác vì “không ai nhìn thấy”. Rồi đến lúc nó bẩn thì lại các bạn sẽ thốt lên, thật xấu hổ quá, nước khác sạch sẽ thế này thế nọ, nước mình rác ngập đầu.
Khi thấy người Tây dọn rác ở kênh mương thì rất nhiều người Việt đồng thanh “xấu hổ quá”, “xấu hổ thay..”. Chẳng ai mượn các bạn xấu hổ thay cả, và các bạn thôi đừng kêu gào xấu hổ nữa, hãy làm như anh ấy đi nào, nếu bạn là những người cùng anh ấy dọn dẹp thì chắc chắn bạn sẽ không thấy xấu hổ, hoặc ít nhất tự bản thân ý thức việc bạn có thể làm từ giờ là không vứt rác bừa bãi nữa, việc đó có khó không. Anh Tây đã sống ở Việt Nam chỉ vài năm nhưng đã có lòng yêu mến Việt Nam như quê hương thứ hai và anh đã dọn dẹp, anh muốn làm gương cho thế hệ sau, cho học trò của mình ở Việt Nam, quả là hành động đáng quý, hy vọng những học trò bé nhỏ của anh sẽ khiến anh không thất vọng.
Những người đến công viên trong lành tập thể dục, đi bộ chạy bộ miệt mài nhưng lại không chịu cầm vỏ ly nước đi thêm vài bước đến thùng rác mà vứt tại nơi đang ngồi. Không phải họ không còn sức để đến thùng rác, và cũng chưa hẳn họ lười, mà đối với họ nó là thói quen, là điều dĩ nhiên vứt ra sẽ có người nhặt ve chai hoặc nhân công dọn dẹp vệ sinh sẽ dọn. Nhưng trước đó họ vẫn có quyền “nước mình đi đâu cũng rác xấu hổ” hoặc là “dân ở đó thật xấu hổ, để người nước ngoài xuống kênh dọn rác”.
không phải “xấu hổ” là cụm từ để nói trên môi hay gồm các chữ cái trên bàn phím chỉ cần gõ ra là xong.
Thế đấy đừng xấu hổ nữa, đừng phung phí sự xấu hổ, sự xấu hổ là cảm xúc tự trong lòng người ta thấy hổ thẹn, thấy điều mình làm là xấu và nhất định cố gắng thực hiện tốt hơn, chứ không phải “xấu hổ” là cụm từ để nói trên môi hay gồm các chữ cái trên bàn phím chỉ cần gõ ra là xong.
Đừng nghĩ rằng một mình mình không làm được gì, nếu nghĩ vậy bạn nhầm rồi, bạn làm được thì em bạn làm được, con bạn làm được, rồi cháu bạn làm được. Biết đâu chính những con người sống có trách nhiệm với chính cuộc sống như bạn như con cháu của bạn thì lớn đến có thể có được bản lĩnh thay đổi tư duy của người khác. Nói đến đây nghe có vẻ to lớn quá nhỉ, nhưng sống có trách nhiệm là đức tính cần có ở con người, và phát huy mạnh ở những con người làm được việc lớn.
Chúng ta không có nhiều thời gian để xấu hổ thay ai đó, hay cảm thấy xấu hổ khi thấy rác khắp nơi, vì chúng ta không vứt rác bừa bãi, chúng ta không nên phung phí sự xấu hổ mà hãy sống để không xấu hổ nhé.
Chúc các bạn vui khỏe an nhiên.
Lạc Thổ - TuThuoc24h.net