Timolol 0,5% - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Timolol 0,5%

Tra cứu thông tin về thuốc Timolol 0,5% trên Tủ thuốc 24h, bao gồm: công dụng, liều lượng, tác dụng phụ, tương tác thuốc...

Thông tin cơ bản thuốc Timolol 0,5%

Số đăng ký

VNA-3606-05

Dạng bào chế

Dung dịch tra mắt

Quy cách đóng gói

Hộp 1 lọ 10ml dung dịch tra mắt

Thành phần

Timolol (Thuốc Nhỏ Mắt)

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Dung dịch tra mắt timolol maleat tương ứng với các nồng độ dạng base là 0,1%; 0,25% và 0,5%. Các thành phần không có hoạt tính là natri dihydrophosphat, dinatri hydro phosphat, natri hydroxyd để điều chỉnh pH và nước cất tiêm. Benzalkonium clorid 0,01% là chất bảo quản.
  • Ống nhựa tra mắt timolol đóng từng liều, không có chất bảo quản, nồng độ 0,25% hoặc 0,5% timolol.

Điều kiện bảo quản

Ðể ở nhiệt độ thường 15 - 30 độ C. Ðậy nút kín. Tránh ánh sáng và tránh thuốc đóng băng.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Làm giảm nhãn áp ở người bệnh tăng nhãn áp hoặc glôcôm góc mở.

Chống chỉ định

Như với nhiều thuốc tra mắt khác, timolol được hấp thu vào cơ thể. Những tác dụng không mong muốn của các thuốc chẹn beta dùng đường toàn thân cũng có thể xảy ra với các dạng tra mắt. Thí dụ, các phản ứng rất nặng về hô hấp và tim, bao gồm cả tử vong do co thắt phế quản ở người bệnh hen, tử vong do suy tim (hiếm gặp) đã được thông báo sau khi dùng timolol maleat đường toàn thân hoặc tra mắt. Chống chỉ định dùng timolol maleat tra mắt trong trường hợp:

  • Hen phế quản hoặc có tiền sử hen phế quản.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng.
  • Nhịp chậm xoang, blốc nhĩ thất độ hai hoặc độ ba.
  • Suy tim rõ, sốc do tim.
  • Quá mẫn với một thành phần của thuốc.

Liều dùng và cách dùng

  • Tăng nhãn áp hoặc glôcôm góc mở
    • Liều thường dùng lúc đầu là 1 giọt timolol maleat 0,25% vào mắt bị bệnh, ngày 2 lần. Nếu không đủ đáp ứng lâm sàng, liều có thể chuyển sang 1 giọt dung dịch 0,5% vào mắt bị bệnh, ngày 2 lần (đối với một số ít người, 1 giọt timolol 0,1% vào mắt bị bệnh, ngày 2 lần có thể đạt yêu cầu).
    • Nếu cần, có thể phối hợp timolol tra mắt với thuốc co đồng tử, epinephrin và các chất ức chế carbonic anhydrase.
    • Vì ở một số người bệnh, đáp ứng giảm nhãn áp của timolol có thể cần vài tuần mới ổn định, nên để đánh giá, cần đo nhãn áp sau khoảng 4 tuần dùng timolol. Nếu nhãn áp giữ được ở mức thoả đáng, nhiều người bệnh có thể chuyển sang phác đồ ngày dùng 1 lần.
    • Cách chuyển người bệnh đang dùng thuốc khác sang timolol: 
      • Khi một người bệnh đang dùng thuốc nhỏ mắt loại chẹn beta khác muốn chuyển sang timolol, cần ngừng dùng thuốc đó vào ngày hôm trước, đến ngày hôm sau bắt đầu bằng nhỏ 1 giọt timolol 0,25% vào mắt bị bệnh, ngày 2 lần. Nếu đáp ứng lâm sàng không đủ, liều có thể tăng, dùng 1 giọt timolol 0,5%, ngày 2 lần.
      • Khi một người bệnh đang dùng đơn độc 1 thuốc chống glôcôm không phải loại thuốc chẹn beta, tiếp tục dùng thuốc này và thêm 1 giọt timolol 0,25% vào mắt bị bệnh, ngày 2 lần. Vào ngày hôm sau ngừng dùng thuốc chống glôcôm đã dùng trước đây và tiếp tục dùng timolol. Nếu cần liều cao hơn, thay bằng 1 giọt timolol 0,5% vào mỗi mắt bị bệnh, ngày 2 lần.
    • Trẻ em: Liều dùng như người lớn, nhưng không nên dùng cho trẻ đẻ non và sơ sinh.
    • Dạng timolol tra mắt đóng từng liều không có chất bảo quản được dùng cho người bệnh mẫn cảm với chất bảo quản benzalkonium clorid: Dạng thuốc này được dùng ngay sau khi mở ống thuốc để dùng cho một hoặc cả hai mắt. Do không giữ được vô khuẩn sau khi mở, thuốc còn lại phải vứt bỏ ngay sau khi dùng. 
    • Cách dùng (gồm các bước như sau):
      • Nếu dùng cả thuốc tra mắt khác, phải dùng thuốc này ít nhất 10 phút trước khi dùng timolol.
      • Rửa tay sạch trước mỗi lần dùng.
      • Lộn ngược và lắc lọ thuốc còn đậy kín một lần trước mỗi lần dùng, không cần lắc nhiều lần.
      • Thận trọng tháo nắp lọ thuốc để đầu nhỏ thuốc không chạm vào bất cứ thứ gì. Ðể nắp vào chỗ khô sạch.
      • Giữ lọ thuốc giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ. Dùng ngón trỏ của tay kia kéo mi mắt dưới xuống để tạo thành một túi cho giọt thuốc. Ngửa đầu ra phía sau.
      • Ðưa đầu nhỏ thuốc vào gần mắt và nhẹ nhàng bóp lọ thuốc chảy ra một giọt vào mắt. 
      • Ðậy nắp lại. Ðể lọ thuốc ở nhiệt độ trong phòng theo vị trí thẳng đứng vào chỗ sạch.
      • Ðầu lọ thuốc đã được chế tạo để mỗi lần rơi ra một giọt đủ lượng; do đó, không làm rộng thêm đầu lỗ. Không dùng thuốc quá lượng quy định.
      • Không rửa đầu lọ bằng nước xà phòng hoặc bất cứ chất giặt tẩy nào khác.

Thận trọng

Thận trọng khi dùng cho người đái tháo đường vì thuốc chẹn thụ thể beta có thể che mất các triệu chứng hạ đường huyết. Người suy tim cần kiểm tra kỹ trước khi bắt đầu điều trị. Người bệnh không được dùng đồng thời hai thuốc chẹn beta vào mắt. Người bệnh đang uống thuốc chẹn beta cần theo dõi chặt chẽ cả nhãn áp lẫn tác dụng toàn thân.

Tương tác với các thuốc khác

  • Mặc dù dung dịch tra mắt timolol dùng đơn độc ít có hoặc không có tác dụng trên đồng tử nhưng nếu dùng phối hợp timolol với epinephrin đôi khi gây giãn đồng tử.
  • Người bệnh không nên dùng phối hợp timolol với thuốc tra mắt loại chẹn beta khác vì tác dụng cộng hợp mạnh trên mắt và toàn thân.
  • Tránh phối hợp với barbiturat.
  • Cần thận trọng khi phối hợp với verapamil, diltiazem, reserpin vì có thể xảy ra hạ huyết áp, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, suy tim.

Tác dụng phụ

Phản ứng thường gặp nhất là rối loạn thị giác (2%) như nhìn mờ và kích ứng mắt (1%).

  • Thường gặp, ADR > 1/100

    Mắt: Kích ứng, mờ mắt.

  • Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    • Toàn thân: Mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt.
    • Tuần hoàn: Nhịp tim chậm, ngất.
    • Thần kinh trung ương: Trầm cảm.
    • Tiêu hóa: Buồn nôn.
    • Hô hấp: Khó thở.
    • Mắt: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, rối loạn thị giác.
  • Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    • Tuần hoàn: Hạ huyết áp, loạn nhịp tim, suy tim, blốc tim, thiếu máu cục bộ não, đánh trống ngực.
    • Da: Ngoại ban, mày đay, rụng tóc.
    • Hô hấp: Co thắt phế quản.
    • Mắt: Viêm mi mắt, sa mi mắt, song thị, khô mắt.

      Hướng dẫn cách xử trí ADR

      Cần hướng dẫn người bệnh tránh để đầu lọ thuốc tiếp xúc với mắt hoặc các vùng quanh mắt. Cũng cần hướng dẫn người bệnh là dung dịch tra mắt, nếu thao tác không đúng có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn mắt. Mắt có thể bị tổn hại nặng, thậm chí không nhìn được do dùng dung dịch nhiễm khuẩn.

      Cũng cần khuyên người bệnh là nếu xảy ra các bệnh gian phát về mắt (như chấn thương mắt, phẫu thuật mắt, nhiễm khuẩn mắt), cần xin ý kiến của thầy thuốc ngay xem có nên tiếp tục dùng thuốc nữa không.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Hấp thu toàn thân: nồng độ thuốc trong huyết tương sau khi nhỏ mắt chưa được ghi nhận. 

Dược lực

Timolol là chất chẹn thụ thể adrenergic beta1 và beta2 (không chọn lọc). Cơ chế tác dụng hạ nhãn áp của các thuốc chẹn beta còn chưa rõ, nhưng bằng phương pháp đo huỳnh quang và ghi nhãn áp, người ta thấy rằng những thuốc này làm giảm sản xuất thủy dịch. Ngoài ra còn có sự tăng nhẹ lưu lượng ra của thủy dịch. Timotol không có tác dụng kích thích beta, không có tác dụng ổn định màng và không gây tê. Khác với các thuốc co đồng tử, timolol ít hoặc không có tác dụng điều tiết co giãn đồng tử. Tác dụng hạ nhãn áp của timolol thường nhanh, xuất hiện khoảng 20 phút sau khi tra thuốc vào mắt và đạt tối đa trong vòng 1 - 2 giờ. Tra một lần dung dịch timolol 0,25% hoặc 0,5% thì tác dụng còn duy trì được khoảng 24 giờ.

Quá liều và cách xử trí

Khi xảy ra rối loạn thị giác nặng, cần xin ý kiến của bác sĩ về ngừng thuốc hoặc thay thế thuốc khác.

Khác

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Cần hướng dẫn người bệnh tránh để đầu lọ thuốc tiếp xúc với mắt hoặc các vùng quanh mắt. Cũng cần hướng dẫn người bệnh là dung dịch tra mắt, nếu thao tác không đúng có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn mắt. Mắt có thể bị tổn hại nặng, thậm chí không nhìn được do dùng dung dịch nhiễm khuẩn.

Cũng cần khuyên người bệnh là nếu xảy ra các bệnh gian phát về mắt (như chấn thương mắt, phẫu thuật mắt, nhiễm khuẩn mắt), cần xin ý kiến của thầy thuốc ngay xem có nên tiếp tục dùng thuốc nữa không.

Chế độ ăn uống : theo chỉ dẫn của bác sĩ