Tetrazepam - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Tetrazepam

Thông tin cơ bản thuốc Tetrazepam

Dạng bào chế

Viên nén bao phim

Quy cách đóng gói

Hộp 20 viên

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao film chứa 50 mg tetrazepam, hộp 20 viên

Điều kiện bảo quản

Dạng viên nén bao film đóng gói trong bao bì kín, bảo quản nhiệt độ từ 15 - 30oC ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Điều trị đau do cơ co cứng trong các bệnh  thấp khớp (xương khớp).

Chống chỉ định

  • Bệnh nhược cơ, suy hô hấp nặng, mẫn cảm với benzodiazepin, suy gan nặng, hội chứng ngừng thở trong khi ngủ.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin. Tăng galactose-huyết bẩm sinh. Hội chứng kém hấp thu glucose và galactose. Thiếu hụt lactase.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi (do chưa nghiên cứu).

Liều dùng và cách dùng

Nuốt viên thuốc với nước, không được nhai. Thuốc chỉ dành cho người lớn (trên 15 tuổi).

Người lớn:

Bệnh nhân ngoại trú: khởi đầu, uống từ 50 mg trước khi đi ngủ. Sau đó có thể tăng dần liều bằng cách thêm 1/2 viên vào liều đang dùng cho đến khi đạt 100 mg/ngày, chia làm 2 lần, dùng phần liều cao hơn vào buổi tối hoặc cả 100 mg vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Bệnh nhân nằm bệnh viện: khởi đầu, uống từ 50 mg trước khi đi ngủ. Sau đó có thể tăng dần liều bằng cách thêm 1/2 viên vào liều đang dùng cho đến khi đạt 150 mg/ngày, chia làm 2 lần, dùng phần liều cao hơn (2viên) vào buổi tối hoặc chia 3 lần.

Người cao tuổi: liều dùng bằng nửa liều bình thường người lớn.

Thận trọng

  • Phải dùng thuốc rất thận trọng vì nguy cơ nhờn thuốc hoặc nghiện, chỉ nên dùng thuốc ngắn ngày, càng ngắn càng tốt và liều thấp nhát có hiệu quả.
  • Cần thận trọng dùng thuốc cho người nghiện rượu hoặc có tiền sử nghiện một thuốc nào đó vì dễ gây nghiện.
  • Cần tránh dừng thuốc đột ngột mà phải ngừng từ từ để tránh hội chứng cai thuốc hoặc bệnh quay trở lại (thường là nhất thời dưới dạng tăng lo âu).
  • Phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho người bị trầm cảm hoặc có kết hợp lo âu, vì có thể làm người bệnh dễ đi đến tự sát.
  • Phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho người  nhược cơ và người suy thở vì thuốc có thể làm bệnh nặng lên.
  • Phải cảnh báo cho người lái xe, vận hành máy, làm việc trên cao, nơi nguy hiểm vì thuốc có thể gây buồn ngủ và mất tỉnh táo.

Tương tác với các thuốc khác

  • Tương tác với alcol có trong các loại rượu gây tăng tác dụng lên thần kinh trung ương. Tương tác này có thể còn tiếp tục sau khi đã ngừng thuốc vài ngày, cho đến khi các sản phẩm chuyển hóa có hoạt tính của thuốc trong huyết thanh giảm đi.
  • Dùng kết hợp với các benzodiazepin khác gây tăng nguy cơ phụ thuộc thuốc.

Tác dụng phụ

Các ADR thường có liên quan đến liều dùng và mức độ nhạy cảm với thuốc của từng người bệnh. 

Thường gặp: ADR > 1/100

Buồn ngủ, cảm giác say rượu, mệt mỏi, mất tỉnh táo (đặc biệt ở người cao tuổi).

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Toàn thân: chóng mặt, đau đầu.

Thần kinh: khó tập trung tư tưởng. Mất trí nhớ (sau).

Cơ xương: mất điều hoà, yếu cơ, giảm trương lực cơ

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Phản ứng nghịch lý (đặc biệt ở người cao tuổi): cáu gắt, hung hãn, căng thẳng thần kinh, vật vã, rối loạn hành vi, thay đổi ý thức.

Phản ứng dị ứng (hồng ban, ngứa, mày đay, phù Quincke), nặng nhất là hội chứng Steven-Johnson và Lyell.

Nghiện thuốc hoặc nhờn thuốc: Hiện tượng bệnh quay trở lại năng hơn thường nhất thời.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Tetrazepam hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, xuất hiện trong máu sau 14 phút. Khả dụng sinh học cao. Tác dụng dược lý chủ yếu là do tetrazepam tồn tại trong máu dưới dạng không chuyển hóa.

Tetrazepam gắn mạnh với protein huyết thanh, như in-vitro không bị đẩy ra khỏi mối liên kết bởi các thuốc giảm đau hoặc kháng viêm.

Chuyển hóa của tetrazepam chủ yếu ở gan.

Thải trừ phần lớn qua nước tiểu (70%), phần còn lại qua đường phân (30%). Chất chuyển hóa chính là một dẫn chất liên hợp gluconic, chất hydroxy-3-tetrazepam. Nửa đời thải trừ của thuốc là 22 giờ ± 4. Sau sử dụng liều nhắc lại hàng ngày, các thông số dược động học không thay đổi.

Thực phẩm hầu như không làm thay đổi dược động học của tetrazepam.

Ở người cao tuổi, người suy thận, người suy gan, nửa đời thải trừ kéo dài do vậy cần giảm liều khi sử dụng.

Các dẫn chất benzodiazepin đã được chứng minh là có đi qua nhau thai và sữa mẹ

Dược lực

Tetrazepam là 1 dẫn chất của benzodiazepin có tác dụng tương tự như diazepam. Thuốc được dùng chủ yếu để điều trị co cứng cơ gây đau do chấn thương tại chỗ hoặc các bệnh về xương khớp hoặc thần kinh cơ.

Tetrazepam tác động vào thần kinh  trung ương làm tăng tác dụng ức chế của chất dẫn truyền GABA (gamma-aminobutyric) trước xinap.

Tetrazepam làm giảm tăng trương lực cơ có liên quan đến ức chế tiền xinap trên cung phản xạ đơn hoặc đa xinap  và có liên quan đến tác dụng ức chế phần trên tuỷ sống. Tetrazepam làm giãn cơ khác với các thuốc làm giãn cơ khác do chẹn thần kinh-cơ  được dùng trong gây mê. Ngoài tác dụng giãn cơ, tetrazepam còn có tác dụng giải lo âu, an thần gây ngủ, chống co giật và mất trí nhớ.

Quá liều và cách xử trí

Triệu chứng: Có thể bao gồm yếu cơ và biến đổi trạng thái ý thức như ngủ li bì, hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp.

Xử trí: Chủ yếu là dùng các biện pháp hỗ trợ chung cùng với rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Truyền dịch tĩnh mạch. Duy trì thông thoáng đường thở và cần được trang bị đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu. Theo dõi điện tâm đồ và tình trạng người bệnh cẩn thận.

Có thể dùng thuốc đối kháng flumazenil.

Việc thẩm phân ít có giá trị.

Khác

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Chóng mặt, buồn ngủ, khó tập trung tư tưởng thường ít khi đòi hỏi phải ngừng thuốc và thường chỉ cần giảm liều. Phải ngừng thuốc ngay khi có các triệu chứng đầu tiên nghi là do hội chứng Steven-Johnson và Lyell. Tránh phối hợp tetrazepam với các thuốc đã biết là gây ra hội chứng này. Để tránh nghiện thuốc hoặc nhờn thuốc, phải dùng liều thấp nhất, ngắn ngày nhất và hạn chế chỉ định dùng thuốc. Cần giải thích rõ cho người bệnh về hiện tượng bệnh nặng lại (tăng lo âu) để người bệnh được an tâm.

Tương kỵ

Không có tài liệu nói về tương kỵ của thuốc.