Globulin miễn dịch kháng viêm gan B - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B

Thông tin cơ bản thuốc Globulin miễn dịch kháng viêm gan B

Dạng bào chế

Thuốc tiêm

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) là một dung dịch vô khuẩn, không có chí nhiệt tố, chứa 10 - 18% protein trong đó không dưới 80% là globulin miễn dịch G monome (gamma globulin, IgG). Dung dịch được điều chế từ huyết tương của những người có hiệu giá kháng thể cao đối với kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (kháng HBs) mà trong huyết tương của họ không có kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg).
  • Các thành phần khác: Glycin 0,3M là chất tạo ổn định cho chế phẩm và có thể chứa thimerosal 100 microgam/ml, đóng vai trò chất bảo quản.

Điều kiện bảo quản

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cần được lưu giữ trong điều kiện lạnh 2 - 8oC; tránh để đông băng.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B được dùng để tạo miễn dịch thụ động chống nhiễm virus viêm gan B trong điều trị dự phòng cho người tiếp xúc với virus này hoặc có tiếp xúc với các vật liệu (máu, huyết tương, huyết thanh) dương tính với HBsAg.

Chống chỉ định

HBIG không được chỉ định để điều trị viêm gan B cấp tính và không có hiệu quả trong điều trị viêm gan B mạn tính thể đang tiến triển hoặc viêm gan B thể tối cấp. HBIG chống chỉ định cho những người quá mẫn với thuốc này hay với bất kỳ một thành phần nào có trong dạng bào chế.

Liều dùng và cách dùng

HBIG chỉ dùng tiêm bắp. Không được tiêm HBIG vào tĩnh mạch.

Ðối với người lớn và trẻ em, tốt hơn cả là tiêm HBIG vào vùng cơ đenta hoặc tiêm vào mặt trước - bên của đùi. Ðối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tiêm HBIG vào mặt trước - bên của đùi. Sau khi chọc kim vào nên rút pit tông ra để đảm bảo rằng kim không chọc vào mạch máu. Nếu có máu hoặc bất kỳ biến đổi màu bất thường nào trong bơm tiêm thì không được tiêm, rút kim ra và hủy bỏ bơm tiêm đó. Ðể phòng sự lan truyền virus viêm gan B và/hoặc các tác nhân gây nhiễm khác, từ người này sang người khác phải dùng một bơm tiêm và kim tiêm riêng cho từng người.

Ðể tránh khả năng trung hòa, không được trộn HBIG và vaccin virus viêm gan B vào cùng một bơm tiêm và không được tiêm vào cùng một vị trí.

Dự phòng sau tiếp xúc
Sự tiếp xúc với viêm gan B hoặc với các dịch cơ thể có thể dương tính với kháng nguyên HBsAg, cần được đánh giá theo từng người, tùy thuộc tình trạng huyết thanh HBsAg của người và tình trạng tiêm chủng vaccin chống viêm gan B của người đã tiếp xúc. Với người lớn, mỗi liều HBIG thường khoảng 3 - 5 ml.

Nguồn tiếp xúc biết chắc dương tính đối với HBsAg.

Sau khi tiếp xúc với một nguồn biết rõ có HBsAg dương tính, ở người chưa được tiêm phòng vaccin chống viêm gan B thì liều HBIG thường dùng cho người lớn là 0,06 ml/kg (khoảng 3 - 5 ml), tiêm đồng thời với một liều vaccin virus viêm gan B bất hoạt nhưng ở một vị trí khác và sau đó hoàn tất lịch tiêm chủng vaccin tạo miễn dịch cơ bản; một cách khác, liều vaccin đầu tiên có thể tiêm trong vòng 7 ngày sau khi tiếp xúc. HBIG phải tiêm càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Người không chọn cách tiêm phòng bằng vaccin, phải tiêm HBIG liều thông thường càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc; liều HBIG thứ 2 được tiêm sau đó 1 tháng. Liều HBIG thường dùng cho trẻ em là 0,06 ml/kg.

Khi tiếp xúc với một nguồn có HBsAg dương tính rõ, người mà trước đây đã hoàn thành một loạt tiêm phòng miễn dịch cơ bản với vaccin viêm gan B và đã có bằng chứng là có đáp ứng đầy đủ hoặc không đầy đủ, thì người tiếp xúc đó phải được thử lại kháng nguyên HBsAg. Nếu có kháng thể (kháng - HBs) không đầy đủ ở một người trước đây đã có đầy đủ, thì không cần thiết phải dùng HBIG, nhưng phải tiêm một liều vaccin củng cố. Nếu có kháng thể không đầy đủ ở một người tiếp xúc mà trước đã hoàn thành việc tiêm phòng miễn dịch cơ bản nhưng không rõ đáp ứng miễn dịch ra sao, thì phải tiêm ngay một liều thông thường HBIG cùng với một liều vaccin củng cố tại một vị trí khác. Ở người tiếp xúc có kháng thể không đầy đủ mà trước đây không đáp ứng với vaccin thì phải dùng ngay một liều thông thường HBIG cùng với một liều vaccin củng cố chống viêm gan B tại một vị trí khác. Một cách tiêm phòng khác là những người không có đáp ứng như thế có thể tiêm 2 liều HBIG (mỗi liều 0,06 ml/kg), một liều tiêm ngay và một liều tiêm sau đó một tháng. Phác đồ này hay được dùng cho những người đã không đáp ứng với ít nhất 4 liều vaccin.

Nguồn tiếp xúc biết chắc âm tính đối với HBsAg. Sau khi tiếp xúc với một nguồn HBsAg âm tính, chỉ cần tạo miễn dịch cho những ai chưa thực hiện tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ trước đây. Những người chưa được tiêm chủng cần nhận một liệu trình tiêm chủng miễn dịch cơ bản bằng vaccin viêm gan B. Không cần tiêm HBIG.

Nguồn tiếp xúc không rõ là có hay không có HbsAg hoặc không rõ nguồn. Sau khi tiếp xúc với một nguồn đã xác định rõ nhưng không biết có hay không có HBsAg (tức là không làm test) hay một nguồn không rõ, những người trước đây không được tiêm vaccin cần thực hiện một liệu trình tiêm miễn dịch cơ bản bằng vaccin viêm gan B. Những người trước đây đã được tiêm vaccin và có đáp ứng miễn dịch thì không cần tiêm phòng thêm ở thời điểm tiếp xúc. Ðối với người không có đáp ứng và hiện đang bị tiếp xúc với nguồn có lẽ là HBsAg dương tính thì có thể dùng ngay 0,06 ml/kg HBIG cùng với một liều củng cố bằng vaccin viêm gan B. Một cách khác, những người không có đáp ứng miễn dịch này có thể tiêm 2 liều (mỗi liều 0,06 ml/kg) HBIG, với một liều ngay lập tức và liều thứ hai 1 tháng sau đó.

Trẻ sơ sinh có mẹ HBsAg dương tính. Trẻ sơ sinh có mẹ HBsAg dương tính phải dùng phối hợp cả hai loại miễn dịch: Thụ động bằng HBIG và chủ động bằng vaccin viêm gan B. Liều thường dùng cho trẻ sơ sinh có mẹ HBsAg dương tính là 0,5 ml. HBIG phải tiêm ngay sau khi trẻ sơ sinh ổn định về mặt sinh lý, nên tiêm trong vòng 12 giờ sau khi sinh; nếu tiêm liều đầu tiên HBIG chậm hơn thì có thể mất dần hiệu lực.

Các tiếp xúc khác trong gia đình. Với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi có mẹ hoặc người chăm sóc khác bị viêm gan B cấp, cần được tiêm 1 liều 0,5 ml HBIG cùng với việc bắt đầu tiêm chủng miễn dịch cơ bản bằng vaccin viêm gan B.

Thận trọng

  • Cần thận trọng khi dùng HBIG cho những người có tiền sử dị ứng toàn thân đối với globulin miễn dịch. Các nhà sản xuất thông báo rằng các phản ứng dị ứng toàn thân có thể xảy ra sau khi vô ý tiêm HBIG vào tĩnh mạch, vì các phản ứng như vậy đã xảy ra sau khi tiêm globulin miễn dịch vào tĩnh mạch. Mặc dầu các phản ứng dị ứng toàn thân đối với các chế phẩm có chứa globulin miễn dịch thường hiếm gặp, nhưng vẫn cần có sẵn epinephrin (adrenalin) để điều trị sốc phản vệ nếu xảy ra.
  • Cũng cần thận trọng khi dùng HBIG cho người thiếu hụt IgA đặc hiệu, vì những người này có thể có các kháng thể kháng IgA trong huyết thanh và sốc phản vệ có thể xảy ra sau khi dùng các chế phẩm có nguồn gốc từ máu có IgA.
  • Cần thận trọng đối với người giảm tiểu cầu hoặc rối loạn cầm máu, vì chảy máu có thể xảy ra sau khi tiêm bắp HBIG (có thể vì bị tổn thương do tiêm).
  • Phức hợp kháng nguyên - kháng thể có tiềm năng nguy hiểm có thể xảy ra về mặt lý thuyết sau khi tiêm HBIG cho người có HBsAg dương tính, mặc dầu chưa thấy phản ứng phụ ở những người như vậy. Các số liệu về sự hình thành các phức hợp này còn hạn chế.
  • Khả năng lây truyền viêm gan B từ HBIG là rất hiếm. Mặc dầu một số cuộc khảo sát về các globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch có liên quan đến lan truyền viêm gan không A, không B, nhưng cho tới nay cũng chưa có thông báo nào về lây truyền bệnh này do dùng HBIG.

Tương tác với các thuốc khác

Với vaccin viêm gan B:

Khi dùng liều HBIG tới 3 ml đồng thời với vaccin viêm gan B nhưng tiêm tại các vị trí khác nhau, sẽ không ức chế đáp ứng miễn dịch chủ động do vaccin tạo ra.

Với các vaccin khác:

Vì các kháng thể chứa trong chế phẩm HBIG có thể cản trở đáp ứng miễn dịch với các vaccin virus sống (như vaccin virus sởi sống, vaccin virus quai bị sống, vaccin virus rubella sống, vaccin virus bại liệt sống đường uống), việc dùng các vaccin này nói chung phải hoãn lại tới 3 tháng sau khi tiêm HBIG.

Do các chế phẩm globulin miễn dịch không biểu hiện khả năng ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vaccin sốt vàng, hoặc vaccin thương hàn uống (Ty21a), nên các vaccin này có thể dùng đồng thời hoặc trước hay sau khi dùng HBIG.

Tác dụng phụ

Sau khi dùng globulin miễn dịch viêm gan B, các tác dụng không mong muốn ít gặp, nhẹ và thoáng qua.

Tác dụng tại chỗ: Ðau, sờ đau, nề và nổi ban đỏ tại nơi tiêm.

Tác dụng toàn thân: Mày đay, ngứa, phù mạch, buồn nôn, ngất thỉu, sốt, đau khớp và mình mẩy, chóng mặt, chuột rút ở chân, khó chịu và mệt mỏi.

Mẫn cảm với globulin miễn dịch đôi khi xảy ra ở những người đã tiêm bắp với liều cao hay tiêm nhiều lần. Sau khi tiêm globulin miễn dịch sốc phản vệ cũng đã từng xảy ra nhưng hiếm. Mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa các phản ứng này với HBIG chưa được xác định.

Dược động học/Dược lực

Dược động học

Dược lực

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) dùng để tạo miễn dịch thụ động chống nhiễm virus viêm gan B nhằm điều trị dự phòng cho người tiếp xúc với virus viêm gan B hay với các bệnh phẩm (ví dụ như máu, huyết tương, huyết thanh) nhiễm virus viêm gan B. Kháng thể đặc hiệu chống kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (kháng HBs) có trong HBIG gắn kết với kháng nguyên bề mặt của virus để trung hòa virus viêm gan B, do đó các tính chất gây nhiễm và gây bệnh của virus bị ức chế.

Một khi nhiễm virus viêm gan B bắt đầu rõ về lâm sàng và/hoặc thử nghiệm huyết thanh chứng tỏ có HBsAg, hình như HBIG không thể trung hòa được virus, mặc dù HBIG có thể làm thay đổi hoặc cải thiện tình trạng nhiễm virus. Trong một công trình nghiên cứu, sau khi tiêm HBIG cho những người tiếp xúc với máu dương tính HBsAg, nhiễm viêm gan B rõ rệt (xuất hiện các dấu ấn huyết thanh và triệu chứng lâm sàng) chỉ phát triển ở 2% số người được điều trị, trong khi nhiễm virus dưới lâm sàng (chỉ có mặt các dấu ấn huyết thanh) phát triển ở 10% số người được điều trị.

Ở một số người bệnh, dùng HBIG sau khi tiếp xúc với virus, có thể làm chậm phát triển nhiễm viêm gan B. Trong nhiều nghiên cứu, dự phòng bằng HBIG sau tiếp xúc bảo vệ chống nhiễm viêm gan B được khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Ở thời điểm này nhiều người bệnh đã được tiêm phòng có bằng chứng huyết thanh chứa HBsAg và/hoặc có các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm virus. Lý do là vì virus đã có thể có mặt trong cơ thể người bệnh vào thời điểm tiêm HBIG, các triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể xuất hiện khi các kháng - HBs đưa vào thụ động đã giảm. Hoặc sự chậm phát triển nhiễm virus có thể là do tiếp xúc lần thứ hai với virus nhiều tháng sau khi dùng HBIG, khi đó nồng độ kháng - HBs thụ động đưa vào tuần hoàn, đã giảm.

Việc dùng đồng thời HBIG với vaccin viêm gan B ở các vị trí tiêm khác nhau sẽ không ức chế khả năng đáp ứng miễn dịch chủ động của vaccin.