Cefotetan (thuốc tiêm) - Tác dụng thuốc và các thông tin khác đầy đủ nhất
Tra cứu thuốc chuẩn nhất

Cefotetan (thuốc tiêm)

Thông tin cơ bản thuốc Cefotetan (thuốc tiêm)

Điều kiện bảo quản

Nếu được tiêm cefotetan ở nhà, bác sĩ sẽ cho bạn biết cách thức và thời gian bảo quản thuốc.

Chỉ định/Chống chỉ định

Chỉ định

Điều trị các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi các chủng nhạy cảm của các vi khuẩn sau:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu do E. coli, Klebsiella spp (bao gồm K. pneumoniae), Proteus mirabilis và Proteus spp (trong đó có thể bao gồm các vi khuẩn được gọi là Proteus vulgaris, Providencia rettgeri và Morganella morganii).
  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới gây ra bởi Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae (kể cả các chủng kháng ampicilin), Klebsiella (bao gồm K. pneumoniae), E. coli, Proteus mirabilis và Serratia marcescens.
  • Nhiễm trùng da và cấu trúc dưới da do Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus pyogenes, Streptococcus loài (trừ enterococci), Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Peptococcus niger, Peptostreptococcus gây ra.
  • Nhiễm trùng phụ khoa gây ra bởi Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus (trừ enterococci), Streptococcus agalactiae, E. coli, Proteus mirabilis, Neisseria gonorrhoeae, Bacteroides (trừ B. distasonis, B. ovatus, B. thetaiotaomicron), Fusobacterium và cầu khuẩn kỵ khí gram dương (bao gồm cả Peptococcus niger và các chủng Peptostreptococcus).
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng do E. coli, Klebsiella (bao gồm K. pneumoniae), Streptococcus (trừ enterococci), Bacteroides (trừ B. distasonis, B. ovatus, B. thetaiotaomicron) và các chủng Clostridium.
  • Nhiễm trùng xương và khớp gây ra bởi Staphylococcus aureus.

Lưu ý: Cefotetan đơn trị liệu gây tăng creatinin huyết thanh. Nếu Cefotetan và một loại aminoglycoside được sử dụng đồng thời, cần theo dõi cẩn thận chức năng thận.

Để làm giảm sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc và duy trì hiệu quả của Cefotetanvà các loại thuốc kháng khuẩn khác, chỉ sử dụng Cefotetanđể điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng đã được chứng minh hoặc rất nghi ngờ do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

Dự phòng: Sử dụng Cefotetan trước phẫu thuật có thể làm giảm tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng sau phẫu thuật như mổ lấy thai, cắt bỏ tử cung hoặc âm đạo, phẫu thuật qua đường niệu đạo, phẫu thuật đường mật và đường tiêu hóa.

Chống chỉ định

Bệnh nhân có tiền sử bị dị ứng hoặc bị thiếu máu tán huyết khi dùng kháng sinh nhóm cephalosporin.

Liều dùng và cách dùng

Điều trị: Liều người lớn thông thường là 1-2g tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi 12 giờ trong 5-10 ngày.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: 500mg mỗi 12 giờ hoặc 1-2g mỗi 24 giờ hoặc 1 -2g mỗi 12 giờ.
  • Nhiễm trùng da hoặc cấu trúc dưới da: Nhẹ: 2g mỗi 24 giờ hoặc 1g mỗi 12 giờ; nặng: 2g mỗi 12 giờ.
  • Các nhiễm trùng khác: 1-2g mỗi 12 giờ; nặng: 2g mỗi 12 giờ; đe dọa đến tính mạng: 3g mỗi 12 giờ.

Dự phòng: Để ngăn ngừa nhiễm trùng hậu phẫu, liều khuyến cáo là 1-2g tiêm tĩnh mạch 30-60 phút trước khi phẫu thuật. Ở bệnh nhân mổ lấy thai, liều dùng nên được dùng ngay sau khi dây rốn được kẹp.

Bệnh nhân suy chức năng thận: Cần có lịch trình giảm liều lượng.

Thận trọng

Trước khi tiêm cefotetan, cho bác sĩ và dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với cefotetan, các kháng sinh cephalosporin khác như cefaclor, cefadroxil (Duricef), cefazolin (Ancef), cefdinir (Omnicef), Cefditoren (Spectracef), cefepime (Maxipime), cefixime (Suprax), cefotaxime (Claforan), cefoxitin, cefpodoxime (VANTIN), cefprozil (Cefzil), ceftazidime (Fortaz), ceftibuten (Cedax), ceftriaxone (Rocephin), cefuroxim (Ceftin, Zinacef), cephalexin (KEFLEX); penicillin hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác và các thuốc bạn đang dùng hoặc dự định dùng. Nói với bác sĩ nếu bạn có hoặc đã từng có thiếu máu tán huyết, từng bị ung thư; bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng; bệnh túi mật, bệnh thận hoặc bệnh gan. Không dùng đồ uống có cồn trong vòng 3 ngày sau khi tiêm cefotetan.

Tương tác với các thuốc khác

  • Cefotetan đơn trị liệu gây tăng creatinin huyết thanh. Nếu Cefotetan và một loại aminoglycoside được sử dụng đồng thời, cần theo dõi cẩn thận chức năng thận.
  • Kháng sinh cephalosporin có thể tạo ra phản ứng dương tính giả cho xét nghiệm nồng độ glucose trong nước tiểu.

Tác dụng phụ

Buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, nhịp tim nhanh, đau đầu, hoa mắt, da nhợt nhạt, nhầm lẫn, mệt mỏi quá mức, tiêu chảy nặng hoặc phân có máu (kéo dài đến 2 tháng sau khi điều trị với cefotetan), cảm sốt, đau bụng, chảy máu bất thường hoặc bầm tím, nổi mề đay, nổi mẩn da, ngứa, khó thở hoặc khó nuốt, đỏ, đau hoặc sưng tại chỗ tiêm. Thuốc tiêm Cefotetan có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề bất thường nào trong khi sử dụng thuốc.

Quá liều và cách xử trí

Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Khác

NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Duy trì chế độ ăn uống bình thường, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.