Có lẽ bạn cũng biết, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một căn bệnh xương khớp thường gặp trong cộng đồng, nhất là ở những người cao tuổi, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và đời sống của bệnh nhân. Căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy để tránh những biến chứng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra thì người bệnh cần sớm tìm hiểu các nguyên nhân và triệu chứng để áp dụng các cách điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Bạn có biết bệnh thoát vị đĩa đệm?
Bệnh thoát vị đĩa đệm là vấn đề xảy ra đối với một hoặc một số đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, là hiện tượng bao xơ bên ngoài đĩa đệm thoái hóa hoặc chịu tác động tiêu cực dẫn đến bị rách khiến khối nhân nhầy theo vết nứt của vòng sợi thoát ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép ống sống, rễ thần kinh gây đau đớn.
Thoát vị đĩa đệm được chia làm 2 loại dựa vào vị trí đĩa đệm bị thoái hóa. Đó là: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Trong đó, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh chiếm tỷ lệ cao trong nhóm các bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống.
Vậy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, song thường mắc nhất là lứa tuổi lao động. Đa số bệnh nhân mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thuộc lứa tuổi 20 – 49, đây là lứa tuổi đang cống hiến và lao động sáng tạo cao của xã hội.Những người mắc thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và hiệu quả lao động . Thoát vị đĩa đệm có thể xảy đến ở nhiều vị trí khác nhau của cột sống (cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt...), nhưng thắt lưng là hay gặp nhất.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh tương đối thường gặp trong cộng đồng cũng như trong thực hành lâm sàng. Bệnh xuất hiện liên quan đến việc vận động cơ thể quá mức và hoạt động thể lực nặng. Cột sống thắt lưng là vị trí chịu nhiều tác động nhất của cơ thể. Hướng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể ra sau, ra trước, lệch sang 2 bên hoặc vào thân đốt gây chèn ép rễ thần kinh vùng cột sống lưng. Vị trí đĩa đệm bị thoát vị phổ biến nhất là L4 L5 và S1.
Các nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đĩa đệm cột sống được cấu tạo bởi 3 thành phần chính gồm: Nhân nhầy, vòng sợi và mỏm sụn. Đĩa đệm có khả năng đàn hồi và biến dạng khi bị tác dụng của lực nén, đẩy, chúng cũng có vai trò làm giảm chấn động tới thân đốt sống.
Đặc điểm của đĩa đệm cột sống thắt lưng là phải thích nghi với hoạt động cơ học lớn, thường xuyên chịu áp lực cao trong khi đĩa đệm được nuôi dưỡng kém do việc cấp máu chủ yếu qua thẩm thấu. Do đó, các đĩa đệm cột sống thắt lưng thường sớm bị loạn dưỡng, thoái hóa tổ chức, nguy cơ càng cao theo độ tuổi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, đa phần trong số đó là do quá trình lão hóa của cơ thể. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều lí do dẫn đến căn bệnh này:
- Quá trình thoái hóa sinh học: Càng lớn tuổi thì đĩa đệm càng mất nước, dễ bị bào mòn và tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi để đĩa đệm thoát vị ra ngoài.
- Hoạt động sai tư thế: Tư thế sai khiến cột sống quá giới hạn như thói quen nằm, ngồi, bê vác không đúng cách trong quá trình sinh hoạt và làm việc dễ gây ra cong vẹo cột sống, dịch chuyển vị trí của đĩa đệm, phá vỡ cấu trúc bao xơ khiến khả năng đĩa đệm bị thoát vị cao hơn.
- Chấn thương: Ngã, ngồi dập mông xuống đất, tai nạn khiến bao xơ nứt rách, nhân nhầy thoát ra.
- Chế độ sinh hoạt: Hút thuốc, ăn uống thiếu chất, thừa cân, béo phì sẽ ảnh hưởng đến đĩa đệm cột sống.
- Đặc điểm ngành nghề: Nha sĩ, nhân viên văn phòng, công nhân, nông dân những người làm việc chân tay nặng nhọc. Chính là những đối tượng dễ bị thoát vị nhất.
- Di truyền: Người có cấu tạo cột sống yếu dễ di truyền sang những thế hệ sau.
- Cân nặng: Chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến thừa cân béo phì làm trong lượng cơ thể gia tăng khiến cột sống phải chịu một trong tải lớn.
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác gây ra triệu chứng đau lưng. Chính vì vậy mà không ít người tự phán đoán sai và điều trị không đúng hướng, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm. Một số triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng điển hình bao gồm:
- Đau cột sống thắt lưng: Đau nhức vùng thắt lưng, đặc biệt vị trí thoát vị đĩa đệm l4 l5. Cơn đau tăng lên khi bệnh nhân đi lại, quay, cúi người, ho, hắt hơi… và giảm đi khi nằm, nghỉ ngơi.
- Đau rễ thần kinh tọa: Cơn đau kéo dài từ thắt lưng xuống mông và chân ở một bên cơ thể. Chẩn đoán dấu hiệu thoát vị đĩa đệm lưng l4 l5, cơn đau sẽ tập trung nhiều ở vùng bên hông, mặt sau của đùi và ngón chân cái, sụt giảm nhân nhầy, phá vỡ cấu trúc vòng sợi...
- Rối loạn vận động: Lưng cứng, cơ chân yếu dẫn tới bệnh nhân ngại vận động. Một số trường hợp có thể bị liệt 2 bàn chân do dây thần kinh chèn ép, phình lồi hoặc xẹp đĩa đệm, rách bao xơ.
- Rối loạn dây thực vật: Bệnh nhân có triệu chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng l4, l5 thường có cảm giác ngứa ran, đau buốt và tê chân tay, đau cổ vai gáy.
- Rối loạn cảm giác nông: Khả năng phân biệt nóng, lạnh, đau, buốt giảm.
- Rối loạn đại tiểu tiện: Bí tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt hoặc không kiểm soát được đại tiểu tiện.
- Một số triệu chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng khác: Mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, sốt, sút cân…
Những cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Để tránh những biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần phát hiện sớm các triệu chứng để nhanh chóng điều trị thoát vị đĩa đệm từ giai đoạn nhẹ, giúp tăng khả năng hồi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có rất nhiều cách điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:
Điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc
- Hầu hết các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm đều không cần phải phẫu thuật tái tạo. Việc luyện tập và sử dụng thuốc theo một liệu trình nhất định sẽ làm giảm các triệu chứng bệnh chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần. Nếu tình trạng đau vẫn tiếp tục kéo dài không giảm, bệnh nhân sẽ được chỉ định tập vật lý trị liệu để hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng của bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể. Một số phương pháp trị liệu không dùng thuốc hoặc kết hợp dùng thuốc giúp giảm đau thường xuyên ở lưng dưới:
- Chiropractic (phương pháp kéo nắn xương khớp): phương pháp này mang lại hiệu quả ở mức độ vừa phải với cơn đau lưng dưới, kéo dài ít nhất 1 tháng. Lưu ý, trị liệu bằng phương pháp chiropractic với bệnh nhân bị thoát bị đĩa đệm cổ, trong một số hiếm trường hợp có thể gây ra đột quỵ.
- Châm cứu: Làm giảm đau lưng và đau cổ kinh niên tương đối tốt.
- Massage: Giảm đau ngắn hạn cho người bị đau lưng dưới kinh niên.
- Yoga: Kết hợp vận động thể chất, tập thở và thiền, giúp cải thiện chức năng và làm giảm đau lưng kinh niên.
Điều trị nội khoa bằng thuốc
- Thuốc giảm đau - kháng viêm: paracetamol, diclofenac, meloxicam...
- Thuốc chống động kinh.
- Thuốc giãn cơ: mydocalm, myonal... chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống.
Tiêm giảm đau ngoài màng cứng corticosteroids
- Corticosteroids là thuốc kháng viêm mạnh có thể được tiêm trực tiếp vào vùng xung quanh dây thần kinh cột sống, làm giảm triệu chứng viêm tại chỗ và các triệu chứng khác của thoát vị đĩa đệm. Đây là phương pháp dùng để điều trị cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm từ trung bình đến nặng. Liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 - 7 ngày.
Điều trị ngoại khoa
- Trong một số ít trường hợp, khi tình trạng thoát vị chèn ép toàn bộ rễ thần kinh vùng đuôi ngựa (vị trí ngay bên dưới thắt lưng) gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện bí đại tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục), lúc này bệnh nhân cần phải được phẫu thuật ngay để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng gây yếu tay/chân hoặc liệt. Trong nhiều trường hợp mổ thoát vị đĩa đệm, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ phần nhô ra của đĩa đệm, thậm chí một số trường hợp phải loại bỏ toàn bộ đĩa đệm. Trong những trường hợp này, các đốt sống có thể cần phải được kết hợp với phần cứng kim loại để cung cấp sự ổn định cho cột sống.
Biến chứng khó lường của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Người bị mắc thoát vị đĩa đệm gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt và vận động. Vì vậy nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và hậu quả khó lường.
- Rối loạn vận động: Thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cột sống của làm hạn chế khả năng vận động. Người bệnh sẽ có những cơn đau kéo dài âm ỉ dọc sống lưng, thắt lưng rồi kéo tới đùi và chân. Nếu không điều trị tích cực và mau chóng thì sẽ khiến bạn có nguy cơ bị liệt người và mất khả năng đi lại.
- Ảnh hưởng đến rễ thần kinh: Thoát vị đĩa đệm gây rất nhiều các biến chứng nhưng rễ thần kinh vẫn là bi ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Khi các rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày không được giải phóng dẫn đến thoát vị đĩa đệm làm cho bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
- Rối loạn tiểu tiện: Việc mắc bệnh thoát vị đĩa đệm khiến các đốt sống bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Ảnh hưởng tới rối loạn cơ tròn, biến chứng rõ ràng nhất đó là sự rối loạn tiểu tiện, dẫn đến cảm thấy tiểu tiện không kiểm soát gây bí tiểu, đái dầm và rỉ ra nước tiểu.
- Teo cơ và bại liệt: Việc chèn ép vào dây thần kinh khiến người bệnh mất cảm giác và làm rối loạn vận động. Vì vậy vận động của bạn bị ảnh hưởng khiến nguy cơ teo cơ tăng cao, cơ bắp bị teo lại, khả năng bại liệt hoàn toàn có thể xảy ra, từ đó ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một căn bệnh nguy hiểm, dễ gây biến chứng. Vì thế khi xuất hiện những triệu chứng trên thì tốt nhất người bệnh nên điều trị sớm bằng phương pháp phù hợp để cải thiện tình trạng tốt nhất và tăng khả năng phục hồi. Không những vậy chúng ta nên vận động, làm việc ở tư thế đúng để hạn chế gặp phải căn bệnh thoát vị oái ăm này. Nếu có vấn đề gì hãy trực tiếp đến bệnh viện, hoặc bác sĩ để được thăm khám và tư vấn một cách tốt nhất.
TuThuoc24h.net