Tết trung thu tết tình thân nhưng Mẹ vẫn cô quạnh...đợi con
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Thuốc Từ Tâm Ngẫm - Thấm

Tết trung thu tết tình thân nhưng Mẹ vẫn cô quạnh...đợi con

Trung thu là tết tình thân, liệu chúng ta trải qua Trung thu còn ba mẹ bao nhiêu năm nữa. Thời gian vô tình hữu hạn chỉ con người có tình mới vô hạn thôi. Chúng ta khoe nhiều ảnh nhưng đừng quên ngắm nhìn hình ảnh gia đình, ngắm nhìn sự đổi thay qua bao năm của ba mẹ, chúng ta nhắn tin lướt mạng nhưng cũng đừng quên gọi về nhà hỏi thăm ba mẹ có khỏe không.

Bà Năm vui kể đủ chuyện những câu chuyện chúng tôi không hề biết, về con cháu gái có cái môi đỏ “mới đẻ ra có 2 ký mà giờ lấy chồng ở xa lắm, tận Bình Thuận”, kể chuyện thằng cháu đích tôn hồi nhỏ khóc với nghịch không cho ai bế mà thấy bà là nín… vậy mà...bây giờ, tất cả chỉ là hồi ức đẹp của tuổi già cô quạnh...

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà Năm là bà đang ngồi bệt bên trong mép cửa, tay chống cằm, mái tóc ngắn, bộ đồ thun cũ kĩ dáng gầy hao, ánh mắt ánh lên niềm vui khi thấy có người vào nhà, bà không cần biết là ai chỉ cần có người lại gần hay đi qua lại bà đều vui như vậy vì lâu rồi bà không nói chuyện cùng ai.

Hàng xóm thì người mỗi việc, lâu nay cái chân bà không khỏe không thể đi lanh quanh sang nhà bên, dường như cuộc sống cuốn họ quên đi bà 5 vẫn ở đó đợi có người chuyện trò và thăm hỏi khỏe không.

Được biết bà Năm nay đã 85 tuổi có 5 người con đứa con gái lấy chồng xa còn 4 thằng cuộc sống cũng không khá giả nên chẳng mấy khi thấy ghé lại thăm bà. Chị hàng xóm kể lại, thi thoảng hàng xóm cạnh nhà mang đồ ăn cho bà, nhà ai có cúng giỗ cũng nhớ để phần đồ ăn cho bà.

Hôm nay sắp đến Trung Thu chúng tôi ghé thăm bà cùng những cụ già neo đơn qua khảo sát ở địa phương và có người liên hệ thông báo có trường hợp cần thăm nom, trong căn bếp lụp xụp có những nhánh củi khô ướt lá cây bừa bộn, cái bếp từ 6 viên gạch, nồi cơm nguội cái nắng đã làm nó khô đi, nồi cá kho thì chỉ còn nước và vài ba con cá nhỏ như cái lá lúa dưới đáy nồi, khiến ai cũng xót xa, chúng tôi ai nấy đều thương, ước gì không bao giờ chúng tôi thấy cảnh này thêm một lần nào nữa, mỗi lần đi thăm các cụ là mỗi lần xót xa. Chúng tôi dọn lại căn nhà giúp bà nấu bữa cơm chiều.

Tiện có bánh mì và sữa trong phần quà mang tặng chúng tôi khui ra mang cho bà ăn liền, nhìn bà ăn trong niềm vui ánh mắt nhem nhem vì hôm nay bà được cười, bà vui kể đủ chuyện những câu chuyện chúng tôi không hề biết, về con cháu gái có cái môi đỏ “mới đẻ ra có 2 ký mà giờ lấy chồng ở xa lắm, tận Bình Thuận”, kể chuyện thằng cháu đích tôn hồi nhỏ khóc với nghịch không cho ai bế mà thấy bà là nín… có lẽ chúng tôi đã gợi cho bà nhớ về những đứa cháu đó khi chúng tôi đứa gọi nội đứa gọi ngoại rối rít. Nhìn bà vừa ăn vừa nói vừa cười cái miệng móm mém hai hàm răng đã không còn đưa xéo qua xéo lại nhìn vừa hóm hỉnh vừa thương.

Phút giây nặng lòng nhất là phút chia tay, bà nhìn chúng tôi ánh mắt buồn không từ nào tả nổi, bà không năn nỉ ở chơi mà chỉ vẫy tay bảo về không tối, ánh mắt luyến tiếc của bà Năm khiến tôi day dứt mãi tận mấy ngày.

Đến cả khi nhắm mắt xuôi tay, bà Liên vẫn đau đáu về nỗi lo cho cậu con bị thiểu năng của mình...

Câu chuyện chúng tôi kể tiếp theo về bà Liên hoàn cảnh người mẹ 66 tuổi có 3 người con mỗi anh con út bệnh thiểu năng, khi sinh đứa thứ 3 cuộc sống bữa đói bữa no lại chồng chất vất vả khiến ông nhà không chịu nổi, dứt áo ra đi, đến bây giờ cũng không ai biết tăm hơi còn sống hay đã mất. Mình bà không quãng nắng mưa nuôi các con học hành đến lớp 12. Bà tâm sự “2 đứa lớn đều yên bề gia thất, riêng ông út này nè, anh chị nó khuyên bác đem vào bảo trợ nhưng con mình sao nỡ làm vậy nên có khổ mấy bác cũng ráng nuôi nó, rồi anh chị nó lẫy (hờn) không về nhiều nữa, giữ thằng út thì không phụ tụi nó trông nom cháu được, cũng tội chúng nó vất vả nhưng khó mà vẹn đôi đường cháu à”.

Khi được hỏi cuộc sống trôi qua với 2 mẹ con, bà vừa kể ánh mắt nhìn chú út đầy vẻ lo toan bà nói “không biết lỡ mai rày chết rồi ai lo nó đây, thấy vậy chứ nó hiếu thảo lắm, thấy mình về là nó mừng lại ôm, giỏi lắm từ bữa bác té không tắm cho nó được bày cho nó giờ nó cũng tự tắm được rồi, ước gì có nhiều sức khỏe sống với nó thêm ngày nào hay ngày đó chứ cũng không mong gì hơn”. Rồi bà khóc khiến mọi người không cầm lòng được.

Số tiền tiêu mỗi ngày của mẹ con anh út phụ thuộc vào đám rau muống, “tháng ruộng rau có nước còn bán được ngày 2, 3 chục chứ nắng trông cho ngày được 10 ngàn, có khi nắng hạn kéo dài thì không có rau mà bán, hàng xóm láng giềng thương tình người một ít hai mẹ con sống qua ngày, chứ giờ cũng đâu biết làm gì, đi đâu là xích chân nó lại tội lắm mấy cháu ơi, chứ mình mà đi là nó cũng đi, nó đi xa với nhanh lắm, nhờ hàng xóm lấy xe máy chở đi tìm nhiều lần cũng phiền hà lắm”, "nhiều hôm đi nhổ cỏ cắt rau thuê cũng kiếm được tiền lo cho thằng út ăn uống, ăn không no nó đói nó khóc thương lắm".

Có lẽ khi đọc bạn sẽ thấy 2 câu chuyện đều buồn như nhau và không có mối liên quan với nhau nhưng với tôi nó rất là liên quan đấy chứ, nhìn hình ảnh bà Liên tôi thấy thương bà Năm quá đỗi, hình ảnh bà Năm tôi xót xa cho bà Liên vô cùng.

Ngẫm mà thấm Mẹ có thể hy sinh cả một đời cho con cái, khi con không may lành lặn mẹ sẽ một đời ở bên không một lời oán trách, mẹ chỉ lo không đủ sức khỏe để lo thôi.

Dù có làm gì trong cuộc đời này, con vẫn là con ngoan của mẹ, một cái ôm của con cũng là hiếu thảo, con tự tắm được cũng là giỏi rồi, mẹ luôn có bao điều tự hào giản đơn về con như thế. Vậy mà, các con khỏe mạnh có gia đình riêng có hạnh phúc, các con có còn nhớ đến mẹ không? Bạn có thấy hình ảnh mình trong số đông đó? Và dù thế nào thì một lần nữa lòng bao dung của mẹ sẽ hiểu cho những đứa con thôi như bà Năm, chỉ có điều mẹ nhớ con nhớ cháu trông mong mà không được gặp. Nghe tâm sự của 2 người mẹ tôi nghĩ liệu có mấy người con tự hào về bố mẹ của mình, khi cứ mãi so sánh với bố mẹ nhà người ta, dù bố mẹ có là lao công, bảo vệ thì con vẫn đi học như người ta, con vẫn có xe đi lại như người ta, mẹ có thể nhịn nhưng con không được ăn thiếu chất.

Nếu có bạn nào thấy khó chịu về mẹ vì cứ ca bài ca đi chơi về trễ, mẹ la mắng cứ ôm điện thoại, mẹ nhắc ngủ sớm, mẹ bắt ăn cơm nhiều, mẹ nhắc uống sữa hoài, đã mệt còn hay hỏi thăm... hãy thấy mình may mắn vì còn mẹ. Có biết bao nhiêu người lớn lên không còn mẹ, họ tự chống chọi với cuộc đời, những lúc yếu lòng không có mẹ để trở về.

Ai đã lâu rồi chưa được gặp mẹ, chưa được nhìn mẹ cười, hãy về ngủ với mẹ và thử một lần nhìn mẹ ngủ sẽ không sự cau có, sẽ không có nụ cười che đi vết chân chim, chân dung của mẹ sẽ rõ nét nhất khi mẹ ngủ. Đừng đợi đến khi mẹ ngủ giấc ngàn thu thì khóc than có nghĩa lý gì đâu. Chợt nhớ bài thơ con cò có câu.


“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con"

Lạc Thổ-TuThuoc24h.net