Đau răng – phiền toái không nhỏ nếu không điều trị ngay
Tra cứu thuốc chuẩn nhất
Trang chủ Bệnh 360° Bệnh Người Lớn

Đau răng – phiền toái không nhỏ nếu không điều trị ngay

Ai từng trải qua mọc răng khôn, sâu răng đều hiểu những phiền toái, khó chịu mà đau răng mang lại. Vậy nguyên nhân gây đau răng và cách điều trị như thế nào?

Đau răng là triệu chứng thường gặp, gây nhiều khó chịu và là dấu hiệu của nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm. Thế nhưng, phần lớn chúng ta đều chủ quan, không thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân kịp thời, gây tổn thương xương ổ răng, viêm nha chu và mất răng. Vậy nguyên nhân gây đau răng là gì và nên chữa trị như thế nào?

1. Nguyên nhân gây đau răng là gì?

Mọc răng khôn

đau răng do mọc răng khôn
đau răng do mọc răng khôn

Răng khôn là chiếc răng hàm thứ 3 thường mọc ở người trưởng thành. Với những người may mắn, răng khôn sẽ mọc ngay hàng thẳng lối như các răng hàm bình thường khác mà không gây ra bất cứ biến chứng gì.

Nhưng đa số các trường hợp răng khôn mọc lên đều bị thiếu chỗ, răng khôn phải tìm chỗ để trồi lên nên thường đâm ngang vào răng bên cạnh. mọc lệch vị trí đâm vào má, hay mọc ngầm dưới nướu, chỉ có thể chụp phim mới thấy rõ được.

Trường hợp răng khôn mọc nghiêng, thức ăn sẽ dễ bị kẹt vào kẽ răng, lúc này việc vệ sinh răng miệng sẽ khó khăn hơn nhiều. Đồng thời thức ăn bị tích tụ lâu ngày, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển đục khoét vào men răng, dẫn đến tình trạng sâu răng, có thể gây viêm nhiễm. Răng khôn mọc ngầm thường có biểu hiện làm sung tấy nướu, viêm đỏ, khó há miệng, có khi hành người bệnh sốt đến vài ngày.

Sâu răng, viêm tủy

đau răng do sâu răng
đau răng do sâu răng

Nguyên nhân gây đau răng chúng ta thường gặp nhất hiện nay là sâu răng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn sâu răng gây ra nhiễm trùng ở chóp chân răng, trong đợt viêm cấp tính gây ra đau nhức kèm theo có thể sưng ở mặt. Các vi khuẩn có bên trong miệng chuyển hóa đường và tinh bột thành axit, axit này hòa tan men và ngà răng trong nước bọt, tạo thành lỗ sâu. Khi lỗ sâu nhỏ, đau xảy ra khi ăn nhai hoặc khi uống nước nóng hay lạnh. Khi lỗ sâu lớn làm viêm tủy hoặc hoại tử tủy, đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào và mức độ đau cũng dữ dội hơn.

Viêm tủy thường bắt đầu từ sâu răng  gây ra những cơn đau nhức răng liên tục, kéo dài kèm theo buốt. Nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ áp xe xương ổ răng, rụng răng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Giải pháp cải thiện tình trạng đau nhức răng trong trường hợp này không gì khác ngoài việc nạo bỏ vết sâu, tiến hành hàn trám hoặc bọc răng sứ. . Trường hợp viêm tủy, hoại tử tủy, hoặc răng bị nhiễm trùng quanh chóp mức độ nhẹ, khi đó cần phải chữa tủy răng trước khi răng được trám lại. Trường hợp  sâu răng quá nặng, cần phải tiến hành nhổ bỏ và trồng lại răng mới thay thế răng đã mất.

Các bệnh về nướu răng và các mô quanh răng

đau răng do các bệnh về nướu
đau răng do các bệnh về nướu

Các bệnh về nướu và các tổ chức quanh nướu cùng là một trong những nguyên nhân gây đau nhức răng phổ biến nhất. Những mảng bám, vôi răng làm cho nướu bị tụt xuống, phá hủy xương nâng đỡ răng. Túi nha chu có thể được hình thành trong nướu xung quanh răng, làm cho vùng răng đó khó vệ sinh sạch sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm các tổ chức quanh răng.

Các bệnh lý về nướu ảnh hưởng rất nhiều đến răng, thậm chí là gây hỏng răng nếu không được chữa trị kịp thời. Các bệnh về nướu gồm có: nhiễm trùng nướu, viêm nướu, viêm nha chu....Bệnh về nướu thường hình thành sự kích ứng do độc tố tiết ra từ vi khuẩn có hại trú trong các mảng bám ở răng. Một số trường hợp khác, sự thay đổi hormon (thường ở tuổi dậy thì hoặc phụ nữ mang thai), tác dụng phụ của thuốc tây...cũng gây kích ứng nướu.

Triệu chứng là nướu dễ bị chảy máu, , nướu sưng, đỏ, sờ mềm, không săn chắc, có khi nướu bị tụt xuống làm lộ phần chân răng, đau răng, răng có thể bị lung lay do sự tiêu xương ổ. Đau xảy ra âm ỉ và sức nhai bị giảm.

Điều trị bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh như là làm sạch vôi răng và mảng bám định kỳ 3-6 tháng/lần. Trường hợp có túi nha chu cần phải nạo sạch túi nha chu và làm sạch bề mặt chân răng. Đôi khi phải phối hợp với thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn. Trường hợp nặng khi răng bị lung lay nhiều do tiêu nhiều xương ổ răng thì răng cần phải nhổ.

Xuất hiện ổ áp xe ở nướu răng

đau răng do ổ áp xe ở nướu răng
đau răng do ổ áp xe ở nướu răng

Áp-xe gồm 2 loại: áp-xe quanh chóp răng và áp-xe nha chu (túi nha chu hay túi mủ). Bệnh xảy ra là do biến chứng từ việc nhiễm trùng răng miệng, vi khuẩn từ các mảng bám trên răng gây ra mủ. Cắn hoặc ăn đồ ăn cứng gây nứt, mẻ răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn len lỏi vào tuỷ răng, gây nhiễm trùng, hình thành khối áp-xe. Hình thành từ một răng bị sâu, lâu ngày không được điều trị gây viêm tuỷ răng và gây nổi áp-xe. Do các mảnh vụn thức ăn bị kẹt tại nướu răng, theo thời gian gây ra viêm, đau tại nơi thức ăn và mảnh vụn bị phân hủy.

Bạn sẽ nhận thấy biểu hiện của sự nhiễm trùng như sưng hay chảy mủ ở nơi xảy ra áp xe: Đau nhức răng do vùng áp-xe tạo áp lực chèn ép lên các dây thần kinh, nướu, chân răng và tuỷ răng. Cơn đau tăng khi thực hiện hoạt động nhai, cắn. Ê răng khi trời nóng hoặc lạnh. Miệng có vị đắng, hơi thở hôi. Vùng bị áp-xe và các vị trí xung quanh sưng đỏ, nhức, đôi khi sẽ bị chảy mủ trắng hoặc vàng. Một số trường hợp có thể gây sốt, người nóng, mệt mỏi, sưng hạch cổ.

Các ổ áp xe này cần được xử lý sớm để tránh tiến triển nặng gây hậu quả không mong muốn. Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách là cách tốt nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý về răng này. Tuỳ vào vị trí áp-xe sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

§  Chích rạch áp-xe.

§  Nạo túi mủ và cạo láng gốc răng.

§  Dùng thuốc kháng sinh, giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.

§  Điều trị tuỷ nếu cần để loại bỏ nguyên nhân gây áp-xe.

§  Lấy vôi răng, trám răng sâu.

§  Xử lý mảnh nứt, mẻ răng.

§  Trường hợp răng không thể bảo tồn sẽ tiến hành nhổ răng và trồng răng giả.

Mòn cổ răng

Ở những người chải răng quá mạnh hoặc sử dụng bàn chải quá cứng hoặc đánh răng không đúng cách thường xảy ra hiện tượng mòn ở phần răng sát với nướu răng, trong y học được gọi là mòn ngót cổ răng. Lớp men bị mòn làm bộc lộ lớp ngà, gây ra tình trạng ê buốt khi chải răng hoặc khi ăn uống

Để khắc phục tình trạng này, cách tốt nhất là trám các răng mòn ngót để chấm dử triệu chứng ê buốt. Nếu răng bị mòn quá sâu, gần đến tủy răng làm kích thích tủy, cần phải chữa tủy răng.

Loạn năng khớp thái dương hàm

Khớp thái dương là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, có chức năng hỗ trợ các hoạt động nhai, nói, nuốt... Khớp thái dương hàm bị đau khi: Một số người do thói quen ăn nhai chỉ một bên hàm hoặc do sự sai khớp cắn sẽ gây ra hội chứng loạn năng khớp thái dương hàm. Thoái hoá sụn trên khớp thái dương. Mòn đĩa đệm. Chấn thương do tai nạn. Co thắt cơ quanh khớp.

Triệu chứng: Đau nhức răng. Hạn chế trong các vận động của răng, hàm như nhai, cắn, nói, há miệng... Khi há miệng có tiếng lạo xạo ở vùng khớp thái dương hàm. Về lâu dài sẽ làm giãn khớp thái dương, dễ chuyển sang trật khớp.

Việc điều trị cho chứng loạn năng khớp thái dương hàm bao gồm việc điều chỉnh lại khớp cắn, vật lý trị liệu như xoa nắn, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng... sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau và thuốc dãn cơ, đeo máng nhai hàng ngày để giúp cân bằng lại hệ thống nhai ( Máng nhai là khí cụ được đặt giữa hai cung răng, thường làm bằng nhựa trong suốt và có thể tháo lắp được. Máng nhai có tác dụng làm dãn cơ, giảm đau, hết mỏi cơ, giúp làm giảm áp lực lên khớp thái dương hàm.). Can thiệp vào bộ răng và hệ thống nhai khi bệnh nặng: ở giai đoạn này, sẽ tuỳ vào tình trạng bệnh mà bác sỹ sẽ lựa chọn các phương pháp như mài, điều chỉnh khớp cắn, phẫu thuật, nhổ răng...

Cách phòng ngừa các nguyên nhân gây đau răng

cách ngừa sâu răng
cách ngừa sâu răng
  1. Chải răng đúng cách, ít nhất 2 lần/ ngày.
  2. Sử dụng kem đánh răng có chứa florua
  3. Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ các hạt thức ăn hoặc mảng bám nằm ở hai hàm răng, làm sạch răng miệng sau mỗi bữa ăn.
  4. Dùng nước súc miệng để loại bỏ các mảng bám ở răng.
  5. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ các loại Vitamin và muối khoáng.
  6. Hạn chế ăn đồ ngọt, dẻo, nhiều chất béo...; uống rượu, bia, cà phê, nước ngọt... Đường khiến mảng bám và vi khuẩn phát triển nhanh hơn, là nguyên nhân gây ra sâu răng.
  7. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
  8. Khám răng và cạo vôi răng định kỳ 4 – 6 tháng/ 1 lần.
  9. Bổ sung thêm canxi - đó là thành phần chính của xương và răng của chúng ta.
  10. Ăn uống các sản phẩm làm từ sữa mỗi ngày (sữa, sữa chua, kem chua và pho mát).
  11. Chúng ta có thể uống nước lọc, sinh tố trái cây và trà không đường. Nước có rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể của chúng ta bao gồm tăng hydrat hóa và lưu lượng nước bọt cao hơn.
  12. Uống trà. Chất dinh dưỡng trong trà xanh và trà đen giúp phá vỡ mảng bám và hạn chế tốc độ phát triển của vi khuẩn. Pha trà với nước chứa florua sẽ tăng gấp đôi hàm lượng chất dinh dưỡng cho răng.
  13. Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ giúp đẩy mảng bám khỏi răng, kích thích sản xuất nước bọt, loại bỏ các axít và enzim có hại khỏi răng. Chất xơ có trong hoa quả và rau tươi, sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt.

Hiểu rõ những nguyên nhân gây đau răng là gì là yếu tố giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, tùy vào từng tình trạng sức khỏe răng miệng mà bác sĩ sẽ chỉ định cách chữa trị đau răng khác nhau. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chủ động đến địa chỉ nha khoa uy tín để được kiểm tra và điều trị kịp thời khi nhận thấy những biểu hiện đau răng bất thường.